Gần một tháng trở lại đây, các video được gắn hashtag #chlorophyllwater (nước diệp lục) thu về hơn 134 triệu lượt xem trên ứng dụng TikTok. Hashtag này cũng trở thành xu hướng trên Instagram, Facebook… với hàng trăm nghìn lượt tìm kiếm và bài đăng quảng cáo.
Trong các video giới thiệu sản phẩm, người quay sử dụng một loại chất lỏng – nước diệp lục, sau đó hòa tan với nước để uống. Các cảnh quay thực hiện cho thấy sự hồi sinh của làn da sau khi uống loại nước này, thay vì bôi hoặc uống dưới dạng viên nén.
Tại thị trường Việt Nam, nước diệp lục cũng bỗng trở thành “thần dược” với nhan nhản những bài quảng cáo trên các chợ mạng, có tác dụng như phòng chống ung thư, ngăn ngừa lão hóa, loại bỏ vết thâm sạm trên da, thải độc tố, tăng cường chức năng miễn dịch… Loại mặt hàng này được rao bán gắn mác hàng xách tay và có giá khá cao. Liệu nước diệp lục có nhiều công dụng thần kỳ như những lời quảng cáo?
Lợi ích của chất diệp lục trong cơ thể
Đa số mọi người đều biết chất diệp lục hay còn gọi là diệp lục tố (chlorophyll) là sắc tố màu xanh lá cây giúp thực vật hấp thụ ánh sáng trong quá trình quang hợp. Chất này được tìm thấy trong các loại rau xanh, tảo và vi khuẩn lam. Diệp lục là thành phần đóng vai trò vô cùng quan trọng của lá, bởi nhờ chất này lá cây mới có được màu xanh đặc trưng riêng.
Theo The Healthy, Tiến sĩ Niket Sonpal, bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa của Trường Đại học Y Touro tại New York cho biết chất diệp lục có thể có lợi ích chăm sóc da: giảm viêm, sạch mụn…
Về mặt dinh dưỡng, chất diệp lục có trong nhiều loại rau xanh phổ biến như: măng tây, cải bắp, bông cải xanh, đậu Hà Lan, đậu xanh, cỏ lúa mì, rau bina… Việc ăn nhiều rau xanh có chứa chất diệp lục làm giảm nguy cơ về các bệnh tim mạch, huyết áp, béo phì…
Tác dụng của nước diệp lục vẫn chưa được xác thực
Hiện nay, nước diệp lục vẫn chưa được kết luận là an toàn trong các nghiên cứu về lợi ích thực sự của nó. Nhiều ý kiến hoài nghi được đưa ra khi đánh giá sản phẩm này.
Nước diệp lục sau khi được hòa tan để uống.
Theo thông tin từ trang Huffpost, loại nước diệp lục đang được quảng cáo rầm rộ hiện nay không phải là nước ép từ lá hay rau xanh mà chỉ đơn giản là một chất tổng hợp. Sản phẩm nhân tạo này được tạo thành từ hỗn hợp bán tổng hợp chlorophyll bao gồm: nước, muối, đồng natri được chiết xuất từ diệp lục tự nhiên.
Hơn nữa trong bài viết, bác sĩ da liễu Hadley King tại New York nói: “Một số thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng chất diệp lục ở dạng có đặc tính chống viêm, chống vi khuẩn và giảm mụn trứng cá. Thế nhưng, việc bổ sung bằng cách uống chất này thì chúng tôi chưa có dữ liệu về chất diệp lục sẽ cải thiện mụn trứng cá”.
Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2018 trên Tạp chí Da liễu quốc tế cho thấy, trong vòng 8 tuần, 24 phụ nữ bị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình đã tiến hành liệu trình gồm: sữa rửa mặt, kem trị mụn với 2% axit salicylic và gel tái cân bằng – một phiên bản của chất diệp lục gọi là phức hợp natri đồng chlorophyll.
Phương pháp này được thực hiện 2 lần/ngày. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra, chế độ chăm sóc này giúp cải thiện kích thước lỗ chân lông, làn da sáng, mịn màng hơn và giảm các tổn thương do mụn trứng cá gây ra. Tuy nhiên vẫn chưa rõ chất diệp lục chiếm bao nhiêu phần trăm so với axit salicylic trong liệu trình điều trị.
Khuyến cáo và cách bổ sung diệp lục từ thiên nhiên
Theo The Healthy, Tiến sĩ Sonpal khuyến cáo, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên uống loại sản phẩm này. Người bình thường nếu lạm dụng quá mức chất diệp lục có nguy cơ tiêu chảy, nôn mửa, tăng khả năng bị phát ban khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Cũng trong bài viết về nước diệp lục trên The Healthy, Giáo sư tâm lý học Andrew Shtulman của Trường Đại học Occidental, Mỹ cho hay: “Quảng cáo nước diệp lục dường như đánh vào trực giác của người dùng với loại nước có nguồn gốc từ thực vật, tinh khiết. Các phương tiện truyền thông đang cường điệu hóa những gì sản phẩm này đang có”.
Lựa chọn nhiều loại rau xanh, rong biển… cho chế độ ăn hàng ngày giúp làm tăng hàm lượng chất diệp lục cho cơ thể.
Thay vì tốn tiền vào trào lưu uống nước diệp lục – sản phẩm chưa có cơ sở khoa học, chưa có ghi nhận lâm sàng, mọi người nên bổ sung chất này từ những nguồn tự nhiên như: ăn nhiều rau xanh, rong biển, uống nước ép trái cây… Đồng thời, bạn nên tự vạch ra một chế độ ăn uống khoa học cho bản thân, không chỉ làm tăng hàm lượng diệp lục mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho cơ thể khỏe mạnh.
Bạn tham khảo thêm : Viên uống diệp lục của Puritan's Pride